Cốt toái bổ là vị thuốc có tác dụng bổ thận, làm mạnh gân cốt, phá ứ huyết, cầm máu, giảm đau…Trong đông y thường dùng vị thuốc này để chữa các chứng bệnh đau lưng, đau răng, bong gân, sai khớp…
Cốt toái bổ còn có tên khác là tổ phượng, tắc kè đá với tên khoa học là Drynari fortunei Polypodiaceae ( họ dương xỉ).
Cốt toái bổ là loại cây sống bám trên các hốc thân cành các cây cổ thụ khác, cây mọc hoang nhiều ở các vùng rừng núi tây bắc, việt bắc, tây nguyên và các tỉnh hòa bình, lào cai, yên bái, thái nguyên…
Bộ phận dùng: Thân rễ, sau khi thu hoạch rửa sạch đất cát, bóc bỏ lá, phơi khô, đốt nhẹ cho cháy hết lông nhỏ phủ xung quanh, khi dùng thái nhỏ.
Thành phần hóa học: Thân rễ chứa glucose, tinh bột 25-34%, hesperidin và naringenin
Tính vị quy kinh: Theo đông y cốt toái bổ có vị đắng, tính ôn quy vào kinh can thận
1. Tác dụng của cốt toái bổ:
Có tác dụng bổ thận, mạnh gân xương, hành huyết, phá ứ huyết, cầm máu, khu phong thấp, sát trùng, giảm đau.
2. Công dụng của cốt toái bổ
Dùng chữa thận hư, tiêu chảy ké dài, bong gân tụ máu, chấn thương, sai khớp, gãy xương, phong thấp đau nhức xương, sưng đau khớp, ù tai đau răng, chảy máu chân răng
Liều dùng 6-12g thân rễ khô dưới dạng thuốc sắc. Dùng ngoài, lấy thân rễ tươi giã nát đắp lên vết thương, chỗ sưng đau.
3. Bài thuốc chữa bệnh từ cốt toái bổ
Chữa bị thương, gân cốt bị tổn thương, chảy máu, đau nhức và chân răng sưng viêm: Cốt toái bổ 15g, lá sen tươi 10g, lá trắc bá tươi 10g, sinh địa 10g sắc uống
Chữa đau lưng, mỏi gối thận hư yếu: cốt toái bổ16g, cẩu tích 20g, rễ gối hạc 12g, củ mài 20g, rễ cỏ xước 12g, dây đau xương 12g, thỏ ty tử 12g, tỳ giải 16g, đỗ trọng 16g sắc uống.
Tác dụng bổ khí huyết, bổ gân xương dùng cho người già suy nhược cơ thể, gãy xương lâu liền: Cốt toái bổ 12g, đảng sâm 16g, hoàng kỳ 12g, hoài sơn 16g, ba kích 16g, bạch truật 12g, đương quy 12g, cẩu tích 12g, tục đoạn 12g, mẫu lệ 12g, thiên niên kiện 8g. sắc uống.